Hội thảo tổng kết chương trình “Điều tra sinh kế của hộ gia đình dễ bị tổn thương do dịch COVID-19 ở tỉnh Thừa Thiên Huế”

Sáng ngày 26.01.2022, Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Phát triển công nghệ Nông Lâm Nghiệp (CARD), Trường Đại học Nông Lâm (ĐHNL), Đại học Huế (ĐHH) phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tổ chức Hội thảo tổng kết chương trình “Điều tra sinh kế của hộ gia đình dễ bị tổn thương do dịch COVID-19 ở tỉnh Thừa Thiên Huế”.

PGS.TS. Lê Văn An - Chủ nhiệm chương trình báo cáo tổng kết
PGS.TS. Lê Văn An – Chủ nhiệm chương trình báo cáo tổng kết

Đến dự với Hội thảo về phía TT CARD có TS. Ngô Tùng Đức – Giám đốc Trung tâm; PGS.TS. Lê Văn An – Chủ nhiệm chương trình. Về phía trường ĐHNL có PGS.TS. Trần Thanh Đức – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng. Hội thảo còn có sự tham dự của Đại diện Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Hội nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế; Đại diện lãnh đạo các địa phương và gần 50 hộ nông dân tham gia dự án.

Việt Nam, đặc biệt các tỉnh miền Trung, trong đó có tỉnh Thừa Thiên Huế thường xuyên chịu ảnh hưởng của thảm hỏa tự nhiên. Đặc biệt lũ lụt năm 2020 gây nhiều thiệt hại về con người và kinh tế cho nhiều địa phương và hộ gia đình. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đến nay đã gay ra hậu quả nghiêm trong về tính mạng và đời sống sinh kế của người dân.

TS. Ngô Tùng Đức - Giám đốc TT CARD báo cáo kêt quả triển khai tại các địa phương
TS. Ngô Tùng Đức – Giám đốc TT CARD báo cáo kêt quả triển khai tại các địa phương
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại Hội thảo
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại Hội thảo

Chính vì những lý do trên, chương trình “Điều tra sinh kế của hộ gia đình dễ bị tổn thương do dịch COVID-19 ở tỉnh Thừa Thiên Huế” tại 3 địa phương: Xã Hồng Hạ, huyện A Lưới; phường Hương Vân, thị xã Hương Trà và xã Hương Phong, thành phố Huế được thực hiện với mục đích: (1) Đánh giá thực trạng sinh kế cộng đồng do ảnh hưởng của thảm họa tự nhiên năm 2020 và đại dịch Covid-19 ở 3 xã dự án, đặc biệt là các hộ gia đình dễ bị tổn thương, nguyên nhân và các giải pháp đề xuất nhằm nâng cao sinh kế cho cộng đồng mà đặc biệt là cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương. (2) Xây dựng và thử nghiệm các mô hình sản xuất dựa trên kết quả, bài học thành công của dự án trước đây giai đoạn 2006-2009; 2010-2013, và điều kiện thực tại nhằm nâng cao đời sống cho người dân địa phương. (3) Nâng cao năng lực của cộng đồng, của các hộ gia đình thông qua các hoạt động tư vấn về kỹ thuật sản xuất. (4) Tổng kết, đánh giá để duy trì và nhân rộng các kết quả.

Quang cảnh buổi Hội thảo
Các hộ nông dân chia sẽ kinh nghiệm
Các hộ nông dân chia sẽ kinh nghiệm

Kết quả nổi bật của chương trình đã điều tra, khảo sát và xác định các nguyên nhân, ảnh hưởng đến đời sống của người dân từ đó cũng đã xác định các giải pháp kỹ thuật sản xuất Nông Lâm Ngư nghiệp phù hợp với điều kiện tự nhiên và trình độ sản xuất của từng địa phương. Cụ thể, chương trình đã xác định và tập huấn kỹ thuật cho 06 mô hình gồm: Nuôi dê trong nông hộ và Nuôi gà thả vườn (Hồng Hạ), Trông khoai lang lấy củ  và Nuôi gà thả vườn (Hương Vân); Nuôi trông nấm sò và Nuôi lươn đồng (Hương Phong). Nhóm nghiên cứu cũng đã tổ chức được 12 buổi tập huấn kỹ thuật sản xuất cho người dân và biên soạn 06 tài liệu và 03 video tập huấn kỹ thuật sản xuất bằng 02 ngôn ngữ Anh – Việt. Đặc biệt, nhóm nghiên cứu cũng đã biên soạn Sổ tay Hướng dẫn phát triển kỹ thuật sản xuất với nông dân được đúc kết, xây dựng từ những câu chuyện, tư liệu thực tế trong quá trình phát triển cộng đồng từ năm 2001 đến nay.

Các tài liệu kỹ thuật sản xuất được biên soạn trong khuôn khổ chương trình
Các tài liệu kỹ thuật sản xuất được biên soạn trong khuôn khổ chương trình

Được biết, CARD và JICA , Đại học Kyoto đã có nhiều hoạt động, chương trình hợp tác phát triển cộng đồng, cụ thể: Năm 2006-2009, Trường ĐH Nông Lâm Huế và Trường ĐH Kyoto triển khai dự án “Enhancing Community Resilience and Livelihood Security to Cope with Natural Disasters in Central Vietnam” – Nâng cao năng lực và sinh kế cộng đồng để đối phó với thảm họa tự nhiên ở miền Trung Việt Nam, do JICA tài trợ. Năm 2010-2013, JICA tiếp tục tài trợ giai đoạn 2 dự án “Integrated Approach to the Vulnerable People to Cope with Natural Disasters in Central Vietnam” – Tiếp cận tổng hợp đến người dân dẽ bị tổn thương để đối phó với thảm họa tự nhiên.

Một số hình ảnh triển khai chương trình

Buổi hội thảo đã kết thúc vào 11h cùng ngày./.